BẠN CHỈ ĐƯỢC LÀM THẨM PHÁN KHI HỘI TỤ ĐỦ 5 ĐIỀU SAU...
Thẩm phán là một trong những nghề nghiệp cao quý, là niềm mơ ước của đa số các bạn sinh viên Luật. Việc trở thành người “cầm cân nảy mực”, bảo vệ công lý luôn là một công việc đáng tự hào. Vậy để trở thành Thẩm phán, bạn cần có những điều kiện gì? Đó là 5 điều kiện dưới đây:
------------------------------
1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.
2. Có trình độ cử nhân luật trở lên.
Bạn phải có bằng tốt nghiệp đại học về chuyên ngành luật do các trường đại học trong nước có chức năng đào tạo về chuyên ngành luật theo quy định của pháp luật. Nếu văn bằng cử nhân luật do cơ sở đào tạo cuẩ nước ngoài cấp thì văn bằng đó phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận nhé!
3. Đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử.
Bạn được xác nhận đã được đào tạo nghiệp vụ xét xử khi có trong tay chứng chỉ về đào tạo nghiệp vụ xét xử do cơ sở trong nước có chức năng đào tạo về nghiệp vụ xét xử theo quy định của pháp luật. Nếu bạn được đào tạo ở nước ngoài thì phải chắc chắn chứng chỉ đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam công nhận.
4 Có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật.
Là thời gian công tác liên tục kể từ khi được xếp vào một ngạch công chức theo quy định của pháp luật, bao gồm: Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên ngành Tòa án; Kiểm tra viên, Điều tra viên, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát; Trinh sát viên trung cấp trở lên, Cảnh sát viên trung cấp trở lên của lực lượng Cảnh sát nhân dân, Trinh sát viên trung cấp trở lên của lực lượng An ninh nhân dân và Điều tra viên trong lực lượng Công an nhân dân; cán bộ điều tra, bảo vệ an ninh trong Quân đội; Chuyên viên, Chấp hành viên, Công chứng viên, Thanh tra viên, cán bộ pháp chế, giảng viên về chuyên ngành luật; thời gian được bầu hoặc cử làm Hội thẩm, thời gian làm luật sư cũng được coi là “thời gian làm công tác pháp luật”.
5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Bạn phải đảm bảo là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ ngoài thể lực cần thiết. Ngoài ra, ngoại hình của bạn phải đảm bảo không có dị tật, dị hình ảnh hưởng trực tiếp đến tư thế, tác phong hoặc việc thực hiên nhiệm vụ của người thẩm phán.
------------------------------------
Làm Thẩm phán khó là thế, đòi hỏi cao là thế nhưng nếu bạn đã lỡ yêu nghề này thì hãy quyết tâm học tập và tích lũy kinh nghiệm ngay từ bây giờ nhé!